21 tháng 7, 2011

Google+ và Facebook - ai nắm 'tài sản cộng đồng'?

Facebook đang sở hữu 700 triệu tài khoản. Với Google, con số này là hơn một tỷ. Vậy ai đang nắm "tài sản cộng đồng"?

Có lẽ cần dẫn dắt một chút, tôi có hai đam mê lớn trong đời - đó là âm nhạc và cộng đồng.


Về âm nhạc, tôi thích nhất là Crossroad. Đó là một bộ phim rất hay, mà đỉnh điểm là cuộc thi đấu giữa một bên là Rock với những âm thanh đầy sức mạnh, với tinh thần và tốc độ. Còn một bên là hai thầy trò mang những ngón nghề Blues đầy sâu sắc. Một thứ đi từ ngoài vào và một thứ đi từ trong ra.

Trở lại với cộng đồng, cả thế giới đang dõi theo hai "ông lớn" - Google và Facebook.

Nói về Facebook, chỉ trong một thời gian ngắn đã giành thế thượng phong với sức mạnh đột phá. Facebook đã nắm được một "gia tài" của cộng đồng online - đó là mối quan hệ của cộng đồng. Facebook biết bạn là ai và bạn chơi với ai. Trong hình minh họa, có thể xem như Facebook nắm được những đường đen.

Trong khi đó, Google nắm được hành động của cộng đồng. Trong hình minh họa trên, Google chưa có được đường đen, nhưng đã sở hữu những chấm rải rác khắp nơi. Đó chính là những dữ liệu có được từ Gmail, Youtube, Picasa, Google Docs, Google phone, Google Search, Adroid Market... Google biết bạn đang muốn gì, đang cần gì và đang làm gì.

Thử tưởng tượng, bạn là giáo viên chủ nhiệm của một lớp, bạn biết từng thành viên trong lớp và biết những thành viên đó chơi thân với ai. Bạn chính là Facebook.

Lớp bên cạnh, giáo viên chủ nhiệm mới về trường, chưa có được những hiểu biết về mối quan hệ của các thành viên trong lớp đó, không biết ai thân ai. Thay vào đó, anh ta biết được 90% học sinh lớp đó thích Michael Jackson, 40% thích Guitar, 20% thích xăm... Anh ấy là Google.

Lúc này, có thể bạn đang có lợi thế. Nhưng nếu một ngày đẹp trời nào đó, vị chủ nhiệm kia tổ chức tiệc cho học sinh, với những sân chơi đặc trưng mà học sinh của anh ấy yêu thích, anh ấy sẽ có ngay kết nối một cách đơn giản và dễ dàng. Các mối liên kết được tạo ra bằng chính nhu cầu thực sự luôn mạnh mẽ và bền vững hơn.

Ngoài ra, bản chất của hai cộng đồng này cũng có sự khác biệt. Trên Facebook, bạn có thể thấy người ta thể hiện rất nhiều, nhưng tôi đồ rằng không phải là con người thật của họ. Còn những gì bạn tìm kiếm trên Google lại phản ánh gần như chính xác nhu cầu của bạn. Facebook tạo ra mối quan hệ và lọc các sở thích từ đó. Google làm ngược lại, hiểu được sở thích của người dùng và tạo mối quan hệ dựa trên sở thích đó.

Ai đang nắm "tài sản cộng đồng"?
Facebook đang nỗ lực trong việc tạo ra Facebook Mail, Facebook Chat, tạo địa điểm cho ảnh... Đây là những nỗ lực của Facebook để khắc phục điểm yếu của mình - một cộng đồng hoàn toàn ảo. Nhưng những thứ đó dường như không thể nào so sánh được với Gmail, Google Map...

Facebook đang có 700 triệu tài khoản (theo Wikipedia). Nhưng tổng số tài khoản của Google với các cộng đồng Gmail, Google Search, Youtube, Picasa, Google Docs, Google Calendar, Google Phone, Adroid Market, ước tính lên tới hơn 1 tỷ tài khoản.

Sự phát triển quá nhanh khiến Facebook bị giảm các giá trị thực, điều mà Google đang có. Thử hình dung, bạn có tới trên 1.000 Friends (bạn bè) trên Facebook thì 95% trong số đó là những mối quan hệ mà bạn không thể chăm sóc nổi.

Theo nghiên cứu, một người bình thường chỉ có thể chăm sóc tối đa 30 mối quan hệ thực. Như vậy đồng nghĩa với 95% các thông báo hoạt động của Friends trên Facebook là những thứ mà bạn không mong muốn nhận, trừ khi bạn coi Facebook là nơi giải trí và đọc tin "hot", chứ không phải nơi chăm sóc cho những mối quan hệ thực.

Tóm lại, các "ông lớn" đều biết cần có những gì để trở thành "bá chủ cộng đồng". Tuy nhiên, thứ tự có được những công cụ đó lại là vấn đề đáng bàn. Cá nhân tôi thấy, cuộc chiến này giống như cuộc chiến giữa một anh thanh niên thông minh, hiện đại và một cụ đồ nho, đạo sỹ già. Và bởi vậy, cuộc chiến này không dễ đoán được kết quả. Chúng ta chỉ có thể chứng kiến và thưởng thức.
Tại Việt Nam, đối thủ của Google là ai?
Một trong những đại diện sáng giá nhất của mạng xã hội Việt Nam hiện nay chính là Zing Me. Sau khi Google+ ra đời, đại diện Zing Me đã phát ngôn rằng, Zing Me không "ngán" Google và sẽ sử dụng sức mạnh bản địa để "chiến đấu trực diện" với Google.

Nhưng nhìn vào gốc gác, cộng đồng Zing Me được xây dựng từ nền móng của những game thủ. Do vậy, số người sử dụng Zing Me có vượt qua Facebook đi chăng nữa thì đó cũng chưa phải là một bức tranh mạng xã hội thực sự. Nếu lấy hình ảnh cộng đồng trên để diễn đạt Zing Me thì những đường kết nối của các điểm hạt nhân đều rất mờ nhạt. Với mạng xã hội, "con số" thành viên không đại diện cho sức mạnh.

Điều khiến cộng đồng ngạc nhiên là giữa sự sôi sục của Facebook, Google+, với những tuyên bố hùng hồn của Zing Me, thì Banbe.net lại đủng đỉnh. Thậm chí, họ còn tuyên bố rằng Banbe.net không phải là mạng xã hội đơn thuần, mà là công nghệ nền tảng kết nối các dịch vụ nội dung số, trước mắt là dịch vụ của FPT, như: VnExpress.net, Ngoisao.net, Nhacso.net... Theo thông tin mới nhất, kế hoạch 6 tháng cuối năm của Banbe.net lại là phục vụ cho hơn 10 nghìn người FPT và các cộng đồng đang sử dụng dịch vụ của FPT.

Tôi là nhân viên "ngoan hiền" của FPT, bởi vậy, tôi chả dại gì nói xấu công ty mình. Nhưng thú thực, tôi từng không tin lắm vào những sản phẩm cộng đồng của FPT. Nhưng từ khi biết Banbe.net sẽ tích hợp với các dịch vụ trên của FPT và quay lại phục vụ hơn 10 nghìn "thần dân" FPT, tôi lại thấy Banbe.net cũng có được cái gì đó mang "giá trị thực" hơn.

Cuộc chiến cộng đồng ở Việt Nam không thể trông chờ vào những phát ngôn gây sốc của các đại diện công ty lớn, nếu các dự án cứ rầm rộ sinh ra và thiếu đi giá trị thực cho cộng đồng.

Với Facebook và Google, Việt Nam hiện nay chưa có tên tuổi nào xứng đáng làm đối thủ. Cover (chơi lại) một bản nhạc không có nghĩa là đứng ngang hàng với tác giả của bản nhạc đó.

Biết đâu đấy, sắp tới, mạng xã hội thực sự của Việt Nam lại chính từ những cái tên như Viettel, VinaPhone, EVN,... Thậm chí là bia hơi Cường "Hói" - những dịch vụ đang giúp ích thực sự cho cộng đồng. Giống như cách mà Google đã và đang làm - đi từ trong ra ngoài.

Lại nói về âm nhạc, hồi xưa tôi thích Rock. Khi đi nghe live show, âm thanh và sự sôi sục làm rung động màng nhĩ, từ đó rung động trái tim tôi. Sau đó 10 năm, khi lặng lẽ nghe Blues, tôi thích nó. Và tôi nhận ra rằng, từ sự rung động của màng nhĩ đến sự rung động của trái tim có thể là con đường nhanh hơn, nhưng khó bền hơn là con đường rung động cảm xúc từ khối óc tới trái tim.

Hiếu Orion

P.S. Bài này mình đọc trên chungta.vn, thấy phân tích khá hay, từ ngữ cũng gần gũi nên copy về. Không biết tác giả Hiếu Orion có phải là anh mập mập hay dạy đàn guitar trên YouTube không nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét